Việt Nam phấn đấu tiên phong về đô thị thông minh

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với Bộ TT&TT về đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh, xây dựng chính phủ thông minh tiến đến xây dựng quốc gia thông minh.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu lên 5 mục tiêu phát triển đô thi thông minh gồm: Hiệu quả kinh tế ở các đô thị ngày càng cao (đến năm 2025, diện tích đô thị chiếm khoảng 10% diện tích cả nước, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 50% dân số, tạo ra khoảng 75% GDP); Môi trường sống ngày càng tốt hơn; Người dân được phục vụ tốt hơn; Người dân tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền; Thành phố phát triển bền vững.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề cập đến 4 giải pháp nền tảng của việc xây dựng đô thị thông minh. Trong đó, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến việc xây dựng chính chuyền cần dự báo được sự phát triển, tránh ách tắc, khủng hoảng và đảm bảo phát triển bền vững. Chính quyền hỗ trợ quyết định tối ưu dựa trên nguyên tắc về hiệu quả kinh tế, xã hội, cá nhân. Phát triển và khai thác không gian mạng và xây dựng chính quyền năng động hiệu quả với sự tham gia quản lý của người dân.

Chủ tịch UB MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh phát triển đô thị thông minh theo Chiến lược 2 cánh và 10 nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn 2016 – 2020:

Cánh 1 là Quy hoạch thông minh thành phố phát triển bền vững, có 2 nhiệm vụ gồm Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và Quy hoạch thông minh, giám sát các tiêu chí phát triển bền vững.

Cánh 2 là Quản lý ngành thông minh – Công dân thông minh – Doanh nghiệp thông minh, gồm 8 nhiệm vụ: Quản lý Xây dựng thông minh; Quản lý Giao thông thông minh; Quản lý Môi trường thông minh; Chính quyền thông minh – Doanh nghiệp thông minh; Chính quyền thông minh – Công dân thông minh; Chính quyền thông minh – Dịch vụ thông minh (giáo dục, y tế, khu đô thị, điện, nước, du lịch, vận tải,…); Nông nghiệp thông minh; Quản lý trật tự – trị an thông minh.

Để việc triển khai xây dựng thành phố thông minh, đô thị thông minh hiệu quả, khả thi và đáp ứng đúng nhu cầu của người dân, Chủ tịch UB MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ TT&TT triển khai 3 việc.

Một là quyết liệt chỉ đạo việc xây dựng chính phủ điện tử, tiếp đến là chính phủ thông minh, xã hội thông minh.

Hai là giao Tập đoàn VNPT xây dựng phương án mẫu, giải pháp khung tương đối chi tiết để làm thành phố thông minh, sớm đi chào hàng.

Ba là về truyền thông, cần tích cực phản ánh nỗ lực của các địa phương đang làm đô thị thông minh.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Hiện khu vực ASEAN mới có Singapore công bố mình là quốc gia thông minh vào năm 2014. Việt Nam quyết tâm làm CNTT, có thể phấn đấu để trở thành quốc gia thứ 2 trong ASEAN đi tiên phong về đô thị thông minh”.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định đô thị thông minh là xu hướng nổi bật. Đô thị thông minh sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực quản lý đô thị, cải thiện hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng đô thị, giải quyết các vấn đề cấp bách của đô thị hiện đại, nâng cao đời sống của người dân.

“Chiến lược 2 cánh 10 nhiệm vụ mà Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu ra là tiền đề hết sức có giá trị để giúp ngành TT&TT, cơ quan quản lý nhà nước về CNTT – viễn thông, và các cơ quan quản lý chính quyền đô thị cả nước có nền tảng để tiếp tục phát triển đô thị thông minh”.

Với trách nhiệm xây dựng nhiều thành phố thông minh để hướng tới quốc gia thông minh là trách nhiệm rất lớn của ngành, theo đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đưa ra 6 vấn đề các Bộ, ngành, địa phương cần làm trong thời gian tới là:

Ngành TTTT sẽ đánh giá đầy đủ tình hình ứng dụng CNTT tại các thành phố lớn để tạo cơ sở cho quá trình xây dựng thành phố thông minh;

Xây dựng khung các tiêu chí, tiêu chuẩn về thành phố thông minh (có mấy loại thành phố thông minh, thông minh đến đâu, thông minh ở cấp độ nào…);

Cải thiện hiện trạng ứng dụng CNTT ở Việt Nam nói chung và các thành phố hướng tới xây dựng thành phố thông minh để đáp ứng nhu cầu xây dựng thành phố thông minh;

Cần đặt hàng với các doanh nghiệp CNTT-TT lớn của ngành như VNPT, Viettel, MobiFone… để có đầu tư sớm cho công nghệ của thành phố thông minh, để sẵn sàng đáp ứng tiêu chí, yêu cầu về năng lực, chính quyền khi lựa chọn đối tác để xây dựng thành phố thông minh;

Sớm triển khai xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung của quốc gia và các thành phố;

Cùng với việc xây dựng thành phố thông minh, cần phải tiến tới xây dựng bộ ngành thông minh, chính quyền thông minh để cùng phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả.

Hiện cả nước đã có một số thành phố bắt đầu triển khai xây dựng Đề án thành phố thông minh như Huế (năm 2015); Đà Nẵng (7/2016); TP. Hồ Chí Minh (8/2016); Cần Thơ (9/2016).

Theo ICTPress

Bài viết cùng chủ đề