ĐIỀU LỆ HỘI DOANH NHÂN TRẺ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

ĐIỀU LỆ

HỘI DOANH NHÂN TRẺ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

———–

 

Chương I

TÊN GỌI, MỤC ĐÍCH, CHỨC NĂNG

NHIỆM VỤ CỦA HỘI

Điều 1. Tên Hội

1.Tên tiếng việt: Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế.

  1. Tên tiếng Anh: Thua Thien Hue Young Entrepreneurs’ Association.
  2. Tên viết tắt tiếng Anh: HYEA

Hội có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng. Hội có logo, biểu trưng và thẻ hội viên riêng. Việc cấp phát sử dụng, quản lý thẻ hội viên và huy hiệu hội theo quy định của Hội.

Điều 2. Mục đích của hội

  1. Đoàn kết, tập hợp các doanh nhân trẻ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
  2. Đại diện tiếng nói, quyền lợi hội viên, tạo điều kiện giao lưu, hỗ trợ cho sự phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nhân trẻ, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung của tỉnh Thừa Thiên Huế, vì sự phát triển vững mạnh của giới doanh nhân trẻ và sự thành đạt của hội viên, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Điều 3. Hội có các chức năng

  1. Đại diện cho giới doanh nhân trẻ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của hội viên trước pháp luật và công luận.
  2. Là diễn đàn trao đổi thông tin, ý kiến của các doanh nhân trẻ và giữa các doanh nhân trẻ với cơ quan Nhà nước, các tổ chức, các doanh nghiệp khác ở trong và ngoài nước theo đúng pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  3. Tạo điều kiện hỗ trợ doanh nhân trẻ nâng cao tri thức quản lý, nghề nghiệp, tiếp cận thị trường, hợp tác đầu tư và phát triển kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện để doanh nhân trẻ tham gia các hoạt động xã hội.
  4. Hội có thể tạo thêm Quỹ phục vụ cho hoạt động chung của Hội bằng việc hình thành các cơ sở sản xuất kinh doanh, công ty cổ phần, Quỹ đầu tư theo đúng pháp luật Nhà nước Việt Nam.

Điều 4. Hội có nhiệm vụ

  1. Hướng dẫn, tư vấn, cung cấp miễn phí thông tin về thương mại, pháp lý, kinh tế, kỹ thuật cho hội viên, tổ chức các loại hình đào tạo nhằm giúp hội viên nâng cao kiến thức và năng lực kinh doanh.
  2. Phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất với cơ quan nhà nước về những vấn đề liên quan đến chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh cho giới doanh nghiệp trẻ tỉnh. Tham gia thực hiện chương trình hoạt động chung của Hội LHTN Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế phù hợp với đặc điểm của giới doanh nhân trẻ.
  3. Tổ chức các hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp trẻ mới ra đời và phát huy tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các hội viên nhằm phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đúng pháp luật và tổ chức các hoạt động xã hội đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, của đất nước.
  4. Định hướng và khuyến khích hội viên tham gia thực hiện các chính sách xã hội.
  5. Quan hệ, tổ chức, hướng dẫn và tiếp nhận sự tài trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đối với doanh nhân trẻ, giúp đỡ các hội viên mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau theo đúng thông lệ, tập quán quốc tế và tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
  6. Báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý Nhà nước về tổ chức hoạt động của Hội.

Chương II

 HỘI  VIÊN

Điều 5. Hội viên chính thức

Hội viên chính thức: công dân Việt Nam từ 18 đến 45 tuổi, đang là thành viên lãnh đạo, đại diện cho doanh nghiệp hoặc tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) được thành lập và đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tán thành điều lệ hội, tự nguyện xin gia nhập hội, đều có thể được xét kết nạp làm hội viên của hội.

Điều 6. Hội viên danh dự

  1. Hội viên trên 45 tuổi, có nhiều đóng góp cho sự phát triển Hội và có nguyện vọng tiếp tục sinh hoạt hội thì được công nhận là hội viên danh dự của Hội.
  2. Hội viên danh dự được tham gia các buổi sinh hoạt, hội nghị, Đại hội của Hội. Hội viên danh dự có các quyền như của hội viên trừ việc ứng cử, bầu cử Uỷ ban Hội và không tham gia biểu quyết các công việc của Hội. Hội viên danh dự không phải đóng hội phí như hội viên.

Điều 7. Quyền của hội viên

  1. Được yêu cầu Hội đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình trước pháp luật, được đề xuất, đóng góp ý kiến và yêu cầu Hội thay mặt kiến nghị với các cơ quan hữu quan về các vấn đề kinh tế, xã hội liên quan đến cá nhân và doanh nghiệp mình đang quản lý điều hành.
  2. Được yêu cầu Hội giúp đỡ trong phát triển kinh doanh, nâng cao trí thức, mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế theo đúng pháp luật nhà nước Việt Nam.
  3. Được ứng cử, đề cử và bầu cử vào Uỷ ban Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế, được thảo luận và biểu quyết các công việc của Hội.
  4. Được thụ hưởng các dịch vụ của Hội như đào tạo, xúc tiến thương mại, thông tin và được nghiên cứu, cung cấp thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh.
  5. Được đề xuất về những vấn đề phát triển Hội, được đề xuất nguyện vọng nâng cao chất lượng dịch vụ Hội.
  6. Được xin ra khỏi Hội khi xét thấy mình không thể hoặc không còn nguyện vọng tham gia Hội.
  7. Được tham gia góp vốn vào công ty cổ phần Hội, Quỹ đầu tư của Hội và hưởng các quyền lợi từ kết quả đầu tư theo luật pháp Việt Nam.

Điều 8. Nghĩa vụ của hội viên

Thi hành nghiêm chỉnh điều lệ hội, các quyết định của hội và nghĩa vụ công dân.

  1. Tham gia các hoạt động và chấp hành sự phân công của hội
  2. Góp phần tuyên truyền và vận động xây dựng phát triển hội.
  3. Giữ gìn và nâng cao uy tín hoạt động của doanh nghiệp, thực hiện việc sản xuất kinh doanh theo đúng pháp luật Nhà nước.
  4. Đóng phí gia nhập Hội và hội phí hàng năm theo qui định của hội. Hội phí được đóng một năm một lần.
  5. Hội viên không được sử dụng danh hiệu của Hội nếu việc sử dụng đó làm ảnh hưởng đến uy tín Hội.
  6. Đoàn kết, hỗ trợ, hợp tác giúp đỡ các hội viên khác.

Điều 9. Thủ tục chấm dứt quyền hội viên

  1. Hội viên tự nguyện xin rút ra khỏi Hội, cần gửi đơn cho Uỷ ban Hội.
  2. Hội viên bị khai trừ ra khỏi Hội trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng điều lệ hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể diện, uy tín và tài chính của Hội.
  3. Hội viên không còn là lãnh đạo, đại diện của doanh nghiệp.
  4. Hội viên là lãnh đạo hoặc đại diện cho doanh nghiệp bị cơ quan nhà nước đình chỉ hoạt động, bị giải thể hay bị tuyên bố phá sản.
  5. Uỷ ban Hội thông báo danh sách hội viên xin rút khỏi Hội cho tất cả các hội viên khác biết.

 

Chương III

 NGUYÊN TẮC VÀ TỔ CHỨC

ĐIỀU HÀNH CỦA HỘI

 

Điều 10. Nguyên tắc hoạt động

Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc:

  1. Tự nguyện; tự quản, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, tự bảo đảm kinh phí hoạt động, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội;
  2. Hiệp thương dân chủ;
  3. Phối hợp và thống nhất hành động.

Điều 11. Đại hội và thời gian sinh hoạt định kỳ

  1. Đại hội hội viên là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội. Đại hội được tổ chức 5 năm một lần do Ủy ban Hội triệu tập. Đại hội hội viên có nhiệm vụ và quyền hạn:

– Thông qua báo cáo của Hội nhiệm kỳ qua.

– Thảo luận và biểu quyết phương hướng nhiệm vụ của Hội nhiệm kỳ tới.

– Bầu Ủy ban Hội và Ban kiểm tra của Hội.

– Sửa đổi hoặc bổ sung điều lệ của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trường hợp đặc biệt, Ủy ban Hội có quyền đề nghị triệu tập đại hội đại biểu và đại hội sẽ có thẩm quyền như đại hội toàn thể hội viên.

– Các quyết định trong đại hội phải có sự đồng ý của hơn 1/2 số đại biểu có mặt. Trường hợp sửa đổi Điều lệ phải có sự đồng ý của 2/3 tổng số đại biểu có mặt mới có giá trị.

  1. Thời gian sinh hoạt định kỳ của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế là 1 quý 1 lần và có thể họp bất thường khi có yêu cầu.

Điều 12. Ủy Ban Hội

  1. Ủy ban Hội do đại hội hội viên bầu ra, có số lượng không quá 1/3 số hội viên.
  2. 06 tháng/01 lần xem xét lại tư cách Ủy viên, thực hiện bãi miễn, bổ sung thành viên mới theo quy định.
  3. Ủy ban hội điều hành mọi hoạt động của Hội giữa 2 kỳ đại hội, Ủy ban Hội họp 1 tháng một lần và có thể họp bất thường khi có yêu cầu. Sau phiên họp, Ủy ban Hội có nhiệm vụ thông báo đến hội viên kết quả phiên họp.

Điều 13. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy Ban Hội

  1. Tổ chức thực hiện nghị quyết của đại hội, quyết định chương trình kế hoạch công tác, kế hoạch tài chính theo từng năm.
  2. Tiếp nhận, phản hồi thông tin từ hội viên.
  3. Giám sát công việc của Thường trực Ủy ban Hội và hoạt động chung của Hội.
  4. Quyết định các vấn đề tổ chức của Hội như bầu cử các chức vụ trong cơ quan Thường trực Ủy ban Hội, bổ sung ủy viên Ủy ban Hội (số lượng không quá 1/3 số ủy viên do đại hội bầu ra).
  5. Triệu tập đại hội hoặc hội nghị của Hội.

Điều 14. Thường trực Ủy ban Hội

Ủy ban Hội bầu ra Thường trực gồm: Chủ tịch và các Phó Chủ tịch (số lượng các Phó Chủ tịch do Ủy ban Hội quyết định sao cho phù hợp với số lượng Ủy viên Ủy ban Hội). Thường trực Hội thay mặt Ủy ban Hội giải quyết các công việc giữa 2 kỳ họp Ủy ban Hội.

  1. Nhiệm vụ, quyền hạn Chủ tịch Hội

Chủ tịch Hội có nhiệm kỳ 03 năm. Người giữ chức danh này có thể được tái cử nhưng không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Chủ tịch Hội có nhiệm vụ:

– Đại diện về pháp lý trong các hoạt động của Hội;

– Quyết định công việc giữa hai kỳ đại hội của Ủy ban Hội, hội nghị thường niên của Ủy ban Hội;

– Thông báo triệu tập, chủ trì các kỳ họp của đại hội, hội nghị thường niên của Ủy ban Hội;

– Quản lý và phân công quản lý tài sản Hội;

– Đại diện Hội trong các quan hệ đối nội, đối ngoại;

– Chịu trách nhiệm các hoạt động Hội trước Ủy ban Hội.

  1. Nhiệm vụ, quyền hạn các Phó Chủ tịch

– Các Phó chủ tịch Hội là người giúp cho Chủ tịch Hội theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực công tác được phân công.

 

Chương IV

 CÁC MỐI QUAN HỆ

 

Điều 15. Với Hội LHTN Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế

Hội là thành viên tập thể, hoạt động theo định hướng và được sự hỗ trợ của Hội LHTN tỉnh Thừa Thiên Huế, định kỳ phải có trách nhiệm thông qua Ủy ban LHTN tỉnh để có ý kiến đóng góp kịp thời; đồng thời có trách nhiệm thực hiện các chương trình hành động của Uỷ ban Hội LHTN tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hội LHTN tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu cán bộ có uy tín, năng lực, phẩm chất tham gia bộ máy lãnh đạo của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 16. Với Doanh nhân trẻ Việt Nam

Chịu sự lãnh đạo, hướng dẫn của Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, thực hiện điều lệ, nghị quyết, quyết định, Kế hoạch, chương trình công tác của Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

Điều 17. Quan hệ với Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

 Hội chịu sự quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua Sở Nội vụ.

Điều 18. Quan hệ với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế

Hội chịu sự định hướng và lãnh đạo của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 19. Với các đơn vị khác

  1. Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế quan hệ với các đơn vị trực thuộc Hội LHTN Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng hỗ trợ nhau cùng thực hiện có hiệu quả mục tiêu đặt ra của Hội Doanh nhân trẻ và Hội LHTN Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế.
  2. Đối với các Hội Doanh nhân trẻ các tỉnh, thành bạn: quan hệ giao dịch đối tác trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, hỗ trợ.
  3. Đối với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế quan hệ trên tinh thần trao đổi, học tập và cùng hưởng ứng các chương trình của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Chương V

 TÀI CHÍNH CỦA HỘI

Điều 20. Thu, chi

Ngân sách của Hội đài thọ mọi chi phí hoạt động của Hội gồm các khoản thu, chi sau:

+ Các khoản thu của Hội

Hội phí gia nhập.

Hội phí hàng năm do hội viên đóng góp.

Các khoản thu từ tài trợ, các khoản đóng góp của cá nhân, hội viên hay tổ chức đoàn thể trong và ngoài nước.

Các khoản thu từ tổ chức sự kiện, mở lớp huấn luyện, giải thưởng Sao vàng Đất Việt hàng năm.

Mức hội phí gia nhập và hội phí hàng năm do Ủy ban Hội thảo luận và quyết định.

+ Các khoản chi của Hội gồm:

– Chi phí văn phòng: phương tiện làm việc, tiền lương, các dịch vụ phục vụ hoạt động Hội.

– Các chi phí hoạt động như hội thảo, giao tế, tham quan, nghiên cứu, các hoạt động xã hội…

Chủ tịch Hội hoặc thành viên Thường trực Hội ủy quyền duyệt chi các chi phí của Hội, trừ các chi phí quan trọng như đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ bản, thì phải tổ chức hội nghị hội viên và phải được sự đồng ý của hơn 1/2 hội viên tham dự hội nghị.

Chương VI

                    KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT                            

Điều 21. Khen thưởng

Hội viên và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động Hội, được Hội xem xét khen thưởng hoặc đề nghị Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Tỉnh Đoàn, Hội LHTN tỉnh Thừa Thiên Huế và các tổ chức hữu quan khen thưởng.

Điều 22. Kỷ luật

Hội viên bị kỷ luật và xoá tên khỏi danh sách Hội khi vi phạm một trong các điều sau:  

– Hội viên vi phạm pháp luật Nhà nước, điều lệ, nghị quyết của Hội gây ảnh hưởng đến uy tín của Hội.

– Không tham gia sinh hoạt 6 tháng liên tục mà không có lý do chính đáng.

– Không đóng hội phí trong thời gian 1 (một) năm.

– Không thực hiện đúng hoặc vi phạm nghiêm trọng đến những quy định của Hội.

Ủy ban Hội quyết định xoá tư cách hội viên và thông báo chính thức trong các kỳ Hội nghị toàn thể hội viên.

 

Chương VII

 ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 23. Sửa đổi bổ sung điều lệ Hội

Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế phải được đại hội Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua và phải được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt mới có giá trị thực hiện.

Điều 24. Điều khoản thi hành

Điều lệ này có 7 chương, 24 điều đã được đại hội đại biểu Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua ngày 17 tháng 12 năm 2011, và có hiệu lực thi hành kể từ khi có quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.