Thừa Thiên Huế cần tiếp tục đổi mới tư duy trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần quyết liệt, sáng tạo

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Thừa Thiên Huế tăng 6,04%; trong đó, khu vực dịch vụ tăng 8,03%, công nghiệp – xây dựng tăng 5,36%. Thu ngân sách 2.815 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 8.170 tỷ đồng, tăng 8,2% so cùng kỳ. Có 275 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 3% với số vốn đăng ký đạt 1.034,5 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Tỷ lệ dân/doanh nghiệp của tỉnh đạt 168/1. Có 20 xã, chiếm 21,7% đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục phát triển; giáo dục và đào tạo, y tế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo được quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh, năm 2015 còn 4,5% (theo chuẩn nghèo 2011 – 2015). An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, kinh tế – xã hội của tỉnh còn một số khó khăn, nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch còn hạn chế…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đổi mới tư duy trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần quyết liệt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân để có nguồn lực xã hội tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, du lịch, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đạt tỷ lệ doanh nghiệp bằng tỷ lệ bình quân chung của cả nước.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, có nguyên tắc thị trường rất cao. Với tỷ lệ đóng góp khoảng 55% GDP, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thừa Thiên Huế. Để phát triển, khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng còn rất lớn của ngành du lịch, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế cần chủ động, tích cực đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách, mà trước hết là nội dung về quản lý đối với tiềm năng này để huy động mọi nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước tham gia đầu tư phát triển du lịch.

Thời gian tới cần tiếp tục khai thác, phát huy tốt hơn các sản phẩm du lịch sẵn có, như di sản văn hóa, ẩm thực, áo dài…; đồng thời, phát triển thêm các sản phẩm du lịch khác biệt, đẳng cấp đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, chữa bệnh và hội thảo.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế tăng cường quản lý quy hoạch đất đai, đô thị, môi trường, quản lý tài nguyên nước; ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Có giải pháp trước mắt và lâu dài hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường tại địa phương, không để người dân thiếu đói, sớm ổn định cuộc sống; đẩy mạnh hỗ trợ đánh bắt hải sản xa bờ, đồng thời chuyển đổi ngành nghề phù hợp cho ngư dân, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân tiếp tục bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo.

 

Bài viết cùng chủ đề