Chuyển giao kỹ thuật nuôi bò cho vùng gò đồi ở Thừa Thiên Huế

Sáng 20/9, tại khách sạn Duy Tân, thành phố Huế, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (Liên hiệp hội) tổ chức Hội thảo “Chuyển giao kỹ thuật nuôi bò cho vùng gò đồi ở Thừa Thiên Huế”. Ông Hồ Văn Hải, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy và gần 100 đại biểu đại diện các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã,  nhóm chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực chăn nuôi Trường Đại học Nông lâm Huế, các trang trại, hộ cá thể chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh đã đến dự.

Toàn cảnh hội thảo “Chuyển giao kỹ thuật nuôi nò ở vùng gò đồi Thừa Thiên Huế”

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS.Trần Hữu Dàng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp hội cho biết, trong những năm qua, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp đã được chuyển giao tới nông dân thông qua các chương trình, dự án do các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế thực hiện đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, cải thiện đời sống nông dân, nông thôn. Tuy vậy, việc chăn nuôi ở các địa bàn nông thôn, miền núi vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, hiệu quả của công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Thông qua hội thảo này, Liên hiệp hội mong muốn cung cấp thông tin, đẩy mạnh việc triển khai, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các kết quả nghiên cứu của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh vào sản xuất, đời sống, qua đó nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Vởn, chủ nhiệm đề tài “Lựa chọn các giải pháp kinh tế – kỹ thuật để phát triển chăn nuôi bò, đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới ở vùng gò đồi Bắc Trung bộ”, từ cuối năm 2012 nhóm tác giả Trường Đại học Nông Lâm Huế phối hợp với các Sở Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ, chính quyền xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) cùng nông dân thôn Bắc Bình triển khai đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp bộ: “Lựa chọn các giải pháp kinh tế – kỹ thuật để phát triển chăn nuôi bò đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới ở vùng gò đồi Bắc Trung Bộ”. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã đề xuất giải pháp tổ chức Câu lạc bộ chăn nuôi bò thâm canh ở Cam Tuyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cỏ cao sản, hỗ trợ 50% chi phí giống cỏ và máy cắt cỏ phục vụ chăn nuôi. Mô hình được thực hiện thí điểm ở thôn Bắc Bình và đang nhân rộng ra các thôn khác như An Thái, An Mỹ, Ba Thung, Đâu Bình…của xã Cam Tuyền. Dựa vào mô hình trồng cỏ nuôi bò, nhiều hộ gia đình đã tăng số lượng bò lên rất nhiều lần. Từ hiệu quả kinh tế đạt được, mô hình trồng cỏ nuôi bò đã nhanh chóng được triển khai trên nhiều địa bàn của huyện Cam Lộ ở các xã như Cam Thủy, Cam Thành, Cam Hiếu… Bên cạnh sự hỗ trợ, hướng dẫn của Trường Đại học Nông Lâm Huế thì người dân cũng đã có ý thức truyền đạt, phổ biến, giúp đỡ nhau trong kỹ thuật chăn nuôi và cây giống để trồng cỏ nuôi bò.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nêu lên những ưu điểm cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện mô hình này trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời có giải pháp nhân rộng ra các địa phương khác, giúp người dân khai thác tốt tiềm năng lợi thế trong quá trình sản xuất để nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới. PGS.TS. Nguyễn Tấn Vỡn và nhóm chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực chăn nuôi Trường Đại học Nông lâm Huế khẳng định rằng hiệu quả từ mô hình trồng cỏ nuôi bò thâm canh đã thấy rõ và Thừa Thiên Huế mà đặc biệt là các huyện như: A Lưới, Nam Đông…thừa khả năng để triển khai thành công mô hình, nhưng người nuôi bò vẫn rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương để mô hình tồn tại, phát triển bền vững.

Sau hội thảo, Liên hiệp hội đã tổ chức cho các đại biểu tham quan mô hình Chăn nuôi bò thâm canh ở thôn Bắc bình, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Doãn Quan

Bài viết cùng chủ đề