Năng suất lao động – Chìa khóa tăng năng lực cạnh tranh

  Năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn còn cách xa với các nước. Điều này đã tác động mạnh đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Nếu chậm khắc phục, khả năng cạnh tranh sẽ còn khó khăn hơn trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Năng suất thấp vì công nghệ lạc hậu

Trên thực tế, năng suất của Việt Nam đã có những bước cải thiện đáng kể cùng với quá trình hội nhập và tăng đều qua các năm. Trong giai đoạn năm 2011-2016, năng suất lao động của Việt Nam lần lượt là 55,2 triệu đồng/người vào năm 2011; 63,1 triệu đồng/người năm 2012; 68,7 triệu đồng/người năm 2013; 74,7 triệu đồng/người năm 2014; 79,4 triệu đồng/người năm 2015; và 84,5 triệu đồng/người năm 2016.

Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước trong khu vực thì năng suất lao động bình quân của người Việt vẫn đang ở mức rất thấp. Báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% của Singapore. Ngoài ra, năng suất lao động của người Việt cũng chỉ bằng 17,4% của Malaysia, 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Philippines và 48,8% của Indonesia.

Nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam còn thấp được giới chuyên gia nhìn nhận là do thiết bị, máy móc và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập, tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp.

Nhìn vào 8 ngành kinh tế đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước bao gồm dệt may; da giày; nhựa; thép; hóa chất; cơ khí chế tạo; năng lượng; điện; điện tử, tin học thì thấy rõ điều đó. Theo nghiên cứu của Viện Năng suất Việt Nam, trong 8 ngành này, ngành năng lượng có mức giá trị gia tăng cao nhất với trên 350 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng của ngành khoảng 6,4%/ năm. Đây cũng chính là ngành có năng suất lao động cao, năm 2015, đạt khoảng 1 tỷ đồng/ người lao động. Song năng suất lao động của ngành này cao không đến từ yếu tố thiết bị, máy móc, công nghệ mà là dựa vào lợi thế khai thác tài nguyên sẵn có và gia tăng đầu tư.

Bên cạnh đó, ngành năng lượng trong giai đoạn 2011-2015 tăng cường vốn quá nhanh, tăng giá trị gia tăng chủ yếu dựa trên tăng cường độ vốn và một phần nhỏ dựa trên tăng lao động. Điều này có nghĩa là giá trị gia tăng được tăng lên hoàn toàn dựa trên tăng yếu tố đầu vào mà không có sự cải thiện về năng suất. Tương tự là ngành hóa chất, dệt may, tăng trưởng của các ngành này dựa vào tăng các yếu tố đầu vào là lao động và vốn mà không có sự gia tăng TFP. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa hai ngành này là ngành hóa chất tăng trưởng dựa vào tăng vốn còn ngành dệt may dựa vào lao động là chủ yếu.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Trong khi công nghệ, thiết bị, máy móc còn lạc hậu thì sự liên kết, hợp tác của DN còn yếu và thiếu. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam dẫn chứng, trong lĩnh vực cơ khí, DN Việt Nam hầu như chỉ làm cơ khí khép kín, đảm nhận các khâu từ A đến Z nên không sử dụng hết được năng lực của máy móc hiện có cũng như không thể phát triển công nghệ, bổ sung số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Do thiếu sự liên kết nên các công ty cơ khí chưa tạo được sức cạnh tranh, xây dựng và bảo vệ thị trường cơ khí trong nước. Ở các ngành có nhiều lợi thế như dệt may, da giày, điện, điện tử- tin học, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, nguyên phụ liệu chủ yếu NK, tỷ lệ gia công cao là thách thức khi hội nhập. Chưa kể, lực lượng lao động đông nhưng chất lượng yếu, nhiều ngành phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng, nhất là công nhân có tay nghề cao.

Có thể thấy, những yếu tố trên là thách thức không nhỏ đối với việc tăng năng suất lao động của Việt Nam. Năng suất lao động thấp đang là trở ngại lớn đối với khả năng cạnh tranh của các DN Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Khi năng suất thấp, DN muốn duy trì chất lượng thì chi phí phải tăng dẫn đến giá thành sản phẩm tăng khiến cho việc tiêu thụ trở nên khó khăn. “Nếu không đẩy mạnh phong trào nâng cao năng suất, chất lượng, Việt Nam có thể đánh mất lợi thế ngay trên sân nhà”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Để cải thiện năng suất lao động, từ đó giúp DN tăng khả năng cạnh tranh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, theo ông Tuấn, việc đầu tiên cần làm là tạo môi trường cho DN phát triển về quy mô. Một khảo sát của Viện Năng suất Việt Nam cho thấy, các DN có quy mô lao động vừa và lớn có năng suất cao hơn, các DN nhỏ và siêu nhỏ năng suất lao động thấp. Ngoài ra, quy mô doanh thu, cường độ chi phí trung gian cao cũng có tác động đến năng suất cao hay thấp. “Vì vậy, hỗ trợ, khuyến khích DN phát triển quy mô cũng tác động tới nâng cao năng suất của toàn ngành. Các DN có quy mô đủ lớn có thể có những tiềm lực tài chính và nhân lực đầu tư phát triển thị trường, phát triển khoa học và công nghệ, do đó cạnh tranh tốt hơn”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần khuyến khích DN có tiềm lực tài chính đầu tư cho khoa học công nghệ để làm ra sản phẩm có giá trị cao, xây dựng sản phẩm có thương hiệu mới có thể bán giá cao trên thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua tăng cường hợp tác giữa trường với huyện, đào tạo những khâu còn yếu như kỹ thuật, công nghệ… Hiện, ngành dệt may, da giày sử dụng nhiều lao động nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, tay nghề thấp còn các ngành công nghệ cao như cơ khí chế tạo, hóa chất… lại đối mặt với bài toán lao động yếu và thiếu.

Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, việc ứng dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế và công cụ cải tiến năng suất chất lượng như kaizen, 6 Sigma, 5S… cũng giúp DN nâng cao sức cạnh tranh. Kết quả điều tra cho thấy, DN có áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 hoặc hệ thống quản lý môi trường ISO 1400 hoặc áp dụng hai hệ thống quản lý trở lên hoặc kết hợp với các công cụ cải tiến năng suất chất lượng có năng suất lao động cao hơn những DN không áp dụng. Việc áp dụng những tiêu chuẩn này giúp DN có ý thức trong việc đảm bảo chất lượng, môi trường, từng bước tạo uy tín trước khách hàng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

 

Theo Hải Quan Online

 

Bài viết cùng chủ đề