Dư luận xung quanh Nghị quyết 05-NQ/TW: Tạo đà cho nguồn lực, mô hình tăng trưởng mới

Đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, mô hình tăng trưởng quan tâm hơn đến chất lượng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển bền vững… là những nội dung được các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và Nhân dân đánh giá cao tại Nghị quyết 05-NQ/TW.

Nghị quyết vừa được Hội nghị T.Ư 4 (Khóa XII) ban hành về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Phạm Hữu Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kim khí Thăng Long: Chính sách mới sẽ hỗ trợ cho ngành công nghiệp

Nghị quyết số 05-NQ/TW được doanh nghiệp (DN) đón nhận là chủ trương đúng, phù hợp với thực tế. Bởi ngoài sự nỗ lực từ trung ương, các địa phương, các cấp, các ngành cùng vào cuộc sẽ tạo động lực cho các DN phát triển, sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Hiện nay, Công ty CP Kim khí Thăng Long đã trở thành một DN sản xuất, phân phối các sản phẩm cơ kim khí hàng đầu Việt Nam. Chính vì thế, DN rất quan tâm đến nội dung trong Nghị quyết về khuyến khích và tạo thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, phát triển DN. Nghị quyết đã đề cập cụ thể đến chính sách công nghiệp quốc gia, tạo khuôn khổ chính sách đồng bộ, trọng tâm, đột phá hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, tập trung vào những ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh và có ý nghĩa chiến lược đối với tăng trưởng nhanh, bền vững; lựa chọn sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp chủ lực để ưu tiên phát triển, cơ cấu lại; Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng mạnh năng suất nội bộ ngành, tăng hàm lượng công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm… Cộng đồng DN mong Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, với sự chung tay của toàn xã hội sẽ khẳng định được tầm quan trọng hỗ trợ cho các DN phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế vững vàng hội nhập.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên: Hội nhập đòi hỏi sự chuyển biến mạnh về chất

Nhiệm vụ tái cơ cấu nảy sinh từ việc chúng ta duy trì quá lâu một mô hình tăng trưởng kém hiệu quả, thực chất là duy trì một hệ thống phân bổ nguồn lực sai lệch, tập trung nguồn lực cho những ngành khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp… sử dụng nhiều vốn thay vì các ngành định hướng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Vì thế, Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 (Khóa XII) của Ban Chấp hành T.Ư đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể, Nghị quyết đưa ra nội dung về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo niềm tin để DN, người dân, kiều bào… đầu tư vốn sản xuất kinh doanh. Việc thu hút DN, đặc biệt là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi, thay vì các ưu đãi chính sách sẽ giúp các DN cạnh tranh lành mạnh và phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bối cảnh của Việt Nam trong giai đoạn mới hiện nay rất khác. Hội nhập đã chuyển sang một giai đoạn mới về chất đòi hỏi chúng ta phải ráo riết tái cơ cấu nhưng tái cơ cấu theo hướng hội nhập hiện đại, đảm bảo tuân thủ các cam kết hội nhập. Chỉ có như vậy mới tránh khỏi lặp lại tình thế hậu WTO, để có năng lực thực thi hội nhập và thật sự dựa vào hội nhập để tiến lên.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân): Khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân

Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Có thể thấy, Nghị quyết đã xác định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, là khu vực thu hút nhiều lao động, tạo nhiều việc làm, khai thác tốt các tiềm năng nguồn lực trong dân như đất đai, vốn, sáng kiến, kinh nghiệm… Điều này cũng phù hợp với chủ trương thu hẹp khu vực kinh tế nhà nước do làm ăn kém hiệu quả.

Hiện nay, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 6 bậc theo xếp hạng của thế giới, tạo điều kiện rất tốt cho khu vực tư nhân phát triển. Điều này thể hiện chúng ta đang phát triển đúng hướng với thế giới. Vấn đề đặt ra tiếp theo là cần có các giải pháp để phát huy triệt để hơn nữa tiềm năng của khu vực này trong tương lai.

Theo Kinh tế Đô thị

Bài viết cùng chủ đề