30 năm đổi mới ở Việt Nam (1986-2016): Những vấn đề khoa học và thực tiễn

Đó là chủ đề của hội thảo khoa học do Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức vào ngày 24/9. Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Thái Sơn – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy  và các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đến từ các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường đại học trên cả nước.

Hội thảo lần này có 88 tham luận được trình bày ở phiên toàn thể và ở 3 tiểu ban chuyên môn. Các tham luận tập trung vào các chủ đề chính về tiền đề, bối cảnh và đường lối đổi mới của đất nước; Đổi mới trên lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và đổi mới ở các địa phương; Đổi mới trên lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục và con người. Trong đó nhấn mạnh đến quá trình đổi mới từ năm 1986 đến nay với những đổi thay to lớn cho đất nước trên tất cả các phương diện, các lĩnh vực của đời sống xã hội với những thành tựu. Việt Nam từ một nước rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội đầu những năm 1980 của thế kỷ XX, được liệt vào hàng “Những nước kém phát triển đã vươn lên là một nước phát triển trung bình thấp, từ một nước đói nghèo với tỉ lệ cao, trở thành một nước có tỉ lệ nghèo dưới 10% theo chuẩn mới, từ một nước đóng cửa, có vị thế kinh tế, chính trị thấp, Việt Nam đã mở cửa, có quan hệ rộng rãi với cộng đồng quốc tế và giam gia tích cực vào đời sống kinh tế, chính trị của khu vực và thế giới”.

Nhìn lại chặng đường đổi mới 30 năm qua, có nhiều câu hỏi cần được giải đáp, nhiều vấn đề khoa học và thực tiễn đặt ra cần được nghiên cứu, lý giải, định hướng cho sự nghiệp đổi mới ở chặng đường tiếp theo mà giới học giả về khoa học xã hội nói chung, giới sử học nói riêng bằng các công trình nghiên cứu của mình đóng góp vào công tác lý luận, tổng kết thực tiễn một cách khoa học.

PV

Bài viết cùng chủ đề