Pháp luật Việt Nam về đầu tư đã cơ bản tương thích với cam kết TPP

Trong lần thứ 6 trong chuỗi 9 lần rà soát về pháp luật Việt Nam với các hiệp định tự do thương mại, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI cho biết: “Tin mừng là nếu đứng từ phương diện pháp luật thì cơ bản pháp luật Việt Nam đã tương thích với cam kết TPP về đầu tư. Đặc biệt là liên quan đến các nguyên tắc cơ bản đối với nhà đầu tư nước ngoài”.

Tại Hội thảo “Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết TPP về đầu tư: Kết quả rà soát và đề xuất hoàn thiện pháp luật từ góc độ lợi ích doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. “Đầu tư là nhân tố quan trọng thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh. Đặc biệt, chúng ta phải cải cách môi trường đầu tư để thu hút chính các nhà đầu ta trong nước trước khi muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài”,

Đại diện của VCCI cho biết, một khi chính thức có hiệu lực, dự kiến các cam kết về đầu tư trong TPP và EVFTA sẽ làm thay đổi đáng kể môi trường chính sách về đầu tư ở Việt Nam do các cam kết này được đánh giá là mức cam kết cao nhất về đầu tư từ trước tới nay, đồng thời các nhà đầu tư đến từ 38 nền kinh tế đối tác của hai Hiệp định này cũng chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng số đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các chuyên gia đang rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết về đầu tư trong TPP nhằm xác định những nội dung chưa tương thích của pháp luật Việt Nam, từ đó đưa ra các đề xuất sửa đổi, điều chỉnh để vừa bảo đảm tuân thủ các cam kết TPP, vừa cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời bảo vệ và cân bằng lợi ích giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư TPP.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI cho biết: “Tin mừng là nếu đứng từ phương diện pháp luật thì cơ bản pháp luật VN đã tương thích với cam kết TPP về đầu tư. Đặc biệt là liên quan đến các nguyên tắc cơ bản đối với nhà đầu tư nước ngoài. Những phần chưa tương thích mà nhìn về quy định pháp luật thì không lớn. Tuy nhiên điểm lo là có những nguyên tắc cơ bản trong TPP yêu cầu vấn đề thực thi chứ không chỉ yêu cầu vấn đề về pháp luật. Quy định pháp luật là bề mặt và hiện trạng còn thực thi có tuân thủ không thì lại là việc khác”.

Pháp luật Việt Nam bao gồm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp không có quy định phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước, trừ thủ tục đầu tư. Việt Nam hiện quy định khá đầy đủ, bình đẳng về các quyền tố tụng và được đảm bảo bởi các cơ quan công quyền.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết trong nguyên tắc về đối xử quốc gia mà TPP đặt ra, các nước không được đối xử nhà đầu tư TPP kém thuận lợi hơn so với nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, TPP hoàn toàn không ngăn cản các cơ quan nhà nước Việt Nam đối xử nhà đầu tư TPP thuận lợi hơn nhà đầu tư trong nước. Điều này đặt ra vấn đề trong tương lai, vì mục tiêu thu hút đầu tư TPP mà Việt Nam dành sự đầu tư tốt hơn cho nhà đầu tư TPP so với nhà đầu tư trong nước hay không? Nếu Việt Nam dành đối xử như vậy dành cho các nhà đầu tư TPP thì cũng nên có cải cách cho các thông lệ áp dụng với các nhà đầu tư trong nước tăng lên ngang bằng mức mà nhà đầu tư TPP được hưởng.

Theo Báo Lao động

Bài viết cùng chủ đề