Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chủ động ứng phó phù hợp với các diễn biến liên quan đến TPP

dnh Tại phiên họp, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2016, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp và tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức; song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, nền kinh tiếp tục phục hồi và tăng trưởng.

Sản xuất công nghiệp có chuyển biến, nhiều ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước và tính chung 11 tháng năm 2016, chỉ số này tăng khoảng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông nghiệp từng bước được phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2016 ước tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng ước đạt khoảng 9 triệu lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hàng hóa đã lấy lại đà tăng trưởng, tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được đảm bảo và khá ổn định; dự trữ ngoại hối và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng. Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, lao động, việc làm, y tế và các lĩnh vực xã hội khác được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững;…

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thật vững chắc; tiến độ thu ngân sách đạt thấp, nhất là thu ngân sách Trung ương; buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được xử lý dứt điểm; hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn; đời sống một bộ phận người dân ở các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, vùng bị ô nhiễm môi trường, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn…

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm hành động, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016 và triển khai quyết liệt kế hoạch năm 2017.

Thủ tướng yêu cầu phải nỗ lực trong tháng 12 để đạt được tăng trưởng quý IV ít nhất 7,1-7,3% để cả năm đạt khoảng 6,3-6,5%. Tháng 12 là tháng gần Tết, trong khi dư địa cho CPI không còn nhiều, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo điều hành thận trọng duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát không quá 5%.

Trước những diễn biến mới trong tình hình kinh tế, trong bối cảnh tình hình quốc tế đang tiếp tục diễn biến phức tạp, yêu cầu đặt ra của Chính phủ là không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành từng lĩnh vực, phải theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước để có phản ứng chính sách phù hợp; cần chuẩn bị các kịch bản, xây dựng các phương án ứng phó phù hợp đối với các diễn biến liên quan đến TPP và các Hiệp định thương mại tự do khác, báo cáo Thủ tướng trong tháng 12/2016.

Về nợ công, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xác định chính xác tổng nợ công, bao gồm đầy đủ tất cả các khoản tạm ứng, vay quỹ BHXH, nợ đọng xây dựng cơ bản… đồng thời có kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN và nợ công, báo cáo Thủ tướng trong tháng 12/2016. Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu; tăng cường hiệu lực hiệu quả thanh tra, giám sát, không để tình trạng nợ xấu đến mức nguy hiểm; chuẩn bị kỹ, thực hiện hiệu quả phương án xử lý các ngân hàng thương mại đã mua lại 0 đồng và giám sát đặc biệt trên nguyên tắc phải bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, giảm thiểu rủi ro và an toàn hệ thống.

Về cổ phần hóa, cần tiếp tục bán vốn nhà nước, bán hết ở những doanh nghiệp không cần nắm giữ nhưng không để lợi ích nhóm thao túng, thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tập trung quán triệt tinh thần của Chính phủ về quyết tâm xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước liêm chính, trong sạch, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, không chấp hành kỷ luật kỷ cương. Chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống tham nhũng; trong đó tập trung vào hoàn thiện thể chế, không để kẽ hở cho tham nhũng…

Thủ tướng đề nghị ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tất cả hệ thống hành chính thực hiện nghiêm việc không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Thủ tướng yêu cầu Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo này của Thủ tướng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu phải tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí, bảo đảm công khai, minh bạch; mặt khác tập trung kiểm tra, giám sát thực hiện quy định pháp luật về truyền thông, báo chí; tăng cường kỷ cương về thông tin truyền thông để định hướng dư luận; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về Đề án Đặc khu kinh tế; về việc không thực hiện ghi nhãn phụ, dán nhãn sản phẩm, công bố hợp quy đối với nguyên liệu, thực phẩm nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Chính phủ cũng đã thảo luận về một số nội dung cơ bản triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.

Theo Công Luận

Bài viết cùng chủ đề