Tái hiện Cố đô Huế giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh

  Với mong muốn cho “ba mạ” vơi bớt nỗi nhớ nhà, TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện quản trị Tri thức KMi, người con Huế xa quê đã tái hiện gần như toàn bộ quần thể di tích Cố đô Huế, với cái tên gần gũi “Huế thu nhỏ”, ngay trong khuôn viên nhà giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh.

TS. Nguyễn Thanh Tùng tại chương trình Cafe doanh nhân với chủ đề “Nghệ thuật lãnh đạo”

Gặp anh trong buổi nói chuyện về chủ đề “Nghệ thuật lãnh đạo doanh nghiệp” do Trung tâm truyền thông và Phát triển doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, điều khiến tôi thực sự thu hút lối dẫn chuyện hài hước và có phần hấp dẫn của TS. Tùng. Tôi nhớ mình đã ấn tượng thế nào khi nghe anh kể về mô hình “Huế thu nhỏ”. Ấn tượng không chỉ vì suy nghĩ một thạc sỹ Kỹ thuật điện tử – Viễn thông (nay là tiến sỹ) lại thiết kế được công trình đồ sộ, mà cách đó không lâu cậu bạn thân thời phổ thông nhiều lần kể về cảm xúc khi đến Ngự Lãm Viên trên đường Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh vào những dịp cuối tuần. “Mỗi lần nhớ nhà, mình lại tới đó, nhìn những mô hình thu nhỏ và tưởng tượng đang rảo từng bước chân dọc Hoàng thành, rồi tản bộ chùa Thiên Mụ…, như thế nỗi nhớ nhà vơi đi một nửa”.

Tái hiện chân thực, tỉ mỉ, tinh tế các công trình trọng yếu của cố đô Huế.

Ngự Lãm Viên có diện tích chừng 1.000m2, chính giữa khuôn viên là ngôi nhà rường 3 gian 2 chái “đúng điệu” kiểu Huế. Anh bảo: “Một ngôi nhà rường đủ tiêu chuẩn phải thượng chua, hạ mít hay thượng kiền hạ gõ. Gõ thì Quảng Bình, Quảng Trị, Huế vân mới đẹp, kiền kiền phải Nam Đông mới tốt. Khu nhà rường được thiết kế giữ nguyên theo đúng phong cách Huế với những hình ảnh chạm khắc, khảm trên các đầu kèo, đầu xuyên, các đòn tay ….”. Để xây dựng nhà rường, anh cùng người nhà phải cất công ra Huế, lên vùng núi Nam Đông chọn mua gỗ kiền.

Tái hiện Chùa Thiên Mụ

Anh kể, ý tưởng phục dựng kinh thành Huế ngay trong khuôn viên sân vườn có từ những năm học cấp 3 và mỗi lần nhìn “ba mạ” khắc khoải nỗi nhớ nhà, nhớ Huế anh lại quyết chí sau này có tiền sẽ thực hiện ý tưởng. Cho đến năm 2000, sau chuyến đi Australia và dành dụm số tiền kha khá, anh quyết tâm thực hiện mô hình “Huế thu nhỏ”. Để cụ thể hóa ý tưởng, anh phải mất 2 năm, tự mày mò với hơn 18 lần rong ruỗi ra Huế tìm kiếm các  thông tin, đo đạt, lấy số liệu kích thước, tìm tài liệu – tư liệu hình ảnh xưa của Huế. Quá trẻ lại không có mối quan hệ nào với các nhà nghiên cứu nên hầu như chàng trai ấy phải tự độc lập nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu.

Mô phỏng Lăng Khải Định

Đến năm 2002, công việc thiết kế cơ bản hoàn thành. Ban đầu, anh tiến hành thử nghiệm với mô hình điêu khắc bằng chất liệu gỗ vì đây là nghề gia truyền của gia đình, nhưng chỉ sau một thời gian thử nghiệm, chịu tác động của thời tiết khiến gỗ bị giãn nở, các tạo hình trên gỗ vì thế không giữ được nguyên trạng. Công sức hơn một năm trời cùng bao nhiêu tiền của tan biến, anh đặt ra mục tiêu phải xây dựng mô hình “Huế thu nhỏ” có khả năng chống chọi lại thời tiết và phải đạt tuổi thọ trên 100 năm. Nói là làm, chàng trai trẻ lại tiếp tục thử nghiệm với nhiều chất liệu khác, tìm đến những nghệ nhân nổi tiếng trong nghề mộc ở Sài Gòn và Huế, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng nhưng đều thất bại.

Mô phỏng Lăng Gia Long.

Đau đầu với việc kéo dài tuổi thọ công trình, T.S Nguyễn Thanh Tùng trở lại Huế, tìm gặp các hậu duệ của vua quan Triều Nguyễn nhưng bất thành. Nhiều người góp ý nên xây dựng mái che để giảm bớt tác động của nắng, mưa nhưng anh nhất quyết không dùng vì sẽ làm mất đi vẻ tự nhiên. Rồi anh nghĩ, “Kinh thành Huế tồn tại từ hàng trăm năm đều làm bằng đá, sao mình không đúc mô hình bằng bột đá giã nhỏ và nén lại, sau đó chạm khắc bằng các biện pháp thủ công”, nói là làm anh cụ thể hóa ý tưởng và đã thành công.

Tái hiện Lầu Ngũ Phụng, Đại Nội Huế

Không chỉ khó khăn về thông tin, giải pháp kỹ thuật, thiếu kinh phí cũng là điều khiến công trình buộc phải kéo dài 7 năm mới hoàn thành. “Nhiều người bảo tôi “điên”, “khùng”, không ai ủng hộ tôi vì không ai tin một thạc sỹ kỹ thuật điện tử – viễn thông (lúc bấy giờ) lại có thể tự thiết kế, tổ chức, thực hiện được công trình này. Sau 4 năm kiên định thiết kế và thực hiện ý tưởng, gia đình và những người xung quanh đã hiểu được và cùng đóng góp công sức và trí tuệ để công trình được hoàn thành” anh Nguyễn Thanh Tùng trải lòng.

Tái hiện vườn Cơ Hạ trong Hoàng Thành Huế, do vua Thiệu Trị lập nên vào năm 1843.

Tuy được tái tạo dưới bàn tay con người với tỷ lệ rất nhỏ, nhưng hệ thống thành quách ở Ngự Lãm Viên vẫn giữ nguyên cái mẫu mực của sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây. Với 151 công trình kiến trúc thu nhỏ với những đường nét chạm trổ tinh tế, những đường cong uốn lượn nhẹ nhàng thanh thoát của Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Thái Miếu, Hưng Miếu, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, phủ Nội Vụ… khiến những ai được tận mắt xem cũng đều có cảm giác một kinh thành Huế cổ kính đang sừng sững ngay trước mặt. Thêm vào đó là dòng sông Hương thơ mộng uốn quanh qua Kinh thành, qua Hoàng thành và Tử cấm thành càng làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên của một kinh đô phong kiến thu nhỏ độc đáo này.

Gắn bó với Huế bằng cả tâm hồn, lại tạo dựng một công trình công phu, TS. Nguyễn Thanh Tùng trực tiếp thuyết minh cho các đoàn khách tới thăm Ngự Lãm Viên.

Công trình sau khi hoàn thành được anh mở cửa đón khách tham quan (miễn phí), đến nay, Ngự Lãm Viên đã tiếp đón hơn 500.000 lượt khách đến tham quan. Trong đó, “Huế Thu Nhỏ” đã đón hơn 50.000 lượt em học sinh ở khu vực miền Nam đến học ngoại khóa về lịch sử, văn hóa, kiến trúc Huế. Đây cũng là điểm đến của rất nhiều người Huế xa quê.

“Mục đích xây dựng “Huế thu nhỏ” là tôi muốn dâng tặng cho ba mạ của mình những hình ảnh đẹp nhất về Huế. Vì từ bé tôi được gần gũi với mạ ba nhiều nên tôi hiểu, Người có rất nhiều kỷ niệm đẹp về Huế và yêu Huế, nếu khi ba mạ già quá không về thăm được Huế thì ngay trong tầm mắt đã có Huế bên mình. Tôi hiểu người lớn tuổi luôn sống về hoài niệm, có Huế trong gia đình, tôi tin ba mạ sẽ vui khỏe hơn và sẽ có nhiều bạn bè cùng thời tìm đến trò chuyện”.

Hoàng Anh

Bài viết cùng chủ đề